Read more: http://seo.choang.vn/#ixzz23GZEpX6t

Lịch sử


Thời Tiền sử và Sơ sử
Quảng Ninh có người ở từ rất sớm. Rất có thể người ở từ thời đồ đá cũ. Tháng 11 năm 1976, một kỹ sư địa chất đã phát hiện ở Tấn Mài, nay là xã Quảng Đức, huyện Hải Hà những hòn đá hình công cụ thô sơ thời tiền sử.

Tiếp đó nhiều nhà khảo cổ đã tìm thấy thêm nhiều hòn đá đáng nghiên cứu. Có ý kiến đoán định đây không những là một nơi cư trú cổ mà còn là một "xưởng chế tác" công cụ. Nhưng, bên cạnh đó, còn nhiều ý kiến băn khoăn vì chưa phát hiện được tầng văn hoá khảo cổ, rất có thể những hòn đá có hình công cụ đó chỉ là sản phẩm của quá trình va đập trong tự nhiên.
Nếu di chỉ đồ đá cũ còn chưa có kết luận cuối cùng thì hàng loạt di chỉ thời kỳ đồ đá mới được liên tiếp phát hiện đã khẳng định trên vùng đảo và ven biển Quảng Ninh đã có người thời tiền sử sinh sống ít nhất là từ gần một vạn năm trở lại đây.
Như vậy trên vùng đất Quảng Ninh, thời tiền sử và sơ sử đã nối tiếp có người ở và khẳng định đây là một trong những vùng đất cổ của Việt Nam. Sau nghề săn bắn, hái lượm, lớp người xưa ở đây đã xuống biển đánh bắt hải sản, rồi chuyển sang nền văn minh lúa nước, khai thác vùng Trung du và đồng bằng Bắc Bộ với nghề trồng lúa và chăn nuôi.

Tư liệu nghiên cứu khảo cổ 
Di chỉ hang Soi Nhụ thuộc huyện Vân Đồn, năm 1967 các nhà khảo cổ đã tìm thấy trong khối vỏ ốc kết thành tầng dày đã hoá đá những mảnh sọ, răng người, xương chi lẫn với những mảnh gốm thô, non; bàn mài, rìu đá có vai và một xương chi bò rừng. Xếp những mảnh xương người cho thấy đây là di cốt của năm người: 2 nam, 3 nữ. Phân tích tuổi của các công cụ, đồ gốm, quá trình kết tầng hoá thạch lớp vỏ ốc, các nhà khảo cổ đều thống nhất cho rằng chủ nhân nơi này sống thời Trung kỳ đồ đá mới, cách ngày nay từ 5 - 6 nghìn năm đến trên dưới một vạn năm.
Gần đây có ý kiến đặt tên nền văn hoá khảo cổ này là văn hoá Soi Nhụ, cũng có ý kiến gọi là "văn hoá Tiền Hạ Long"
Nối tiếp văn hoá Soi Nhụ là nền văn hoá thời hậu kỳ đồ đá mới với hàng loạt di chỉ được các nhà khảo cổ Pháp và Thụy Điển phát hiện từ những năm 1938, 1939. Sau năm 1954, trên vùng vịnh Hạ Long và ven bờ, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện nhiều di chỉ tương tự. Gần đây đã phát hiện thêm nhiều hang động còn dấu tích cư trú của người tiền sử. Toàn bộ quá trình phát triển ở đây được các nhà khoa học đặt tên là "Nền văn hoá Hạ Long". Trong đó, các nhà khảo cổ lại chia ra làm hai giai đoạn sớm và muộn:
Giai đoạn sớm cách ngày nay chừng 5-6 nghìn năm, gồm các di chỉ tiêu biểu: Thoi Giếng, thôn Nam, Gò Mừng (xã Vạn Ninh), Gò Mả Tổ, Gò Bảo Quế (xã Hải Tiến), Gò Miếu Cả, Gò Quất Đông Nam (xã Hải Đông),... đều ở thị xã Móng Cái.
Giai đoạn muộn cách ngày nay chừng 3 - 4 nghìn năm, gồm các di chỉ tiêu biểu: Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn), Xích Thổ (xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ); Đồng Mang (phường Giếng Đáy), Giáp Khẩu (phường Hà Lầm), Cái Lân (phường Bãi Cháy), Cọc 8 (phường Hồng Hà) thuộc thành phố Hạ Long.
Đến thời đại kim khí, trước hết là đồ đồng, trên đất Quảng Ninh đã tìm ra nhiều chứng tích:
Trên núi Đầu Rằm (xã Hoàng Tân, Yên Hưng), năm 1998 phát hiện nhiều công cụ đồ đá tinh xảo, đồ gốm nung bền chắc và nhiều công cụ, binh khí bằng đồng: mũi tên, mũi dao đồng.
Trên đồi chè hợp tác xã Quảng Lễ, xã Quảng Chính, năm 1965 phát hiện một trống đồng thuộc loại 1 hệ trống đồng Đông Sơn trong văn hoá thời đại Hùng Vương.
Trên cánh đồng Cầu Nam thuộc xã Phương Nam, thị xã Uông Bí phát hiện 7 ngôi mộ thuyền (quan tài là một khúc gỗ lớn khoét rỗng). Trong mộ có nhiều hiện vật bằng đồng: giáo, khiên, thạp, rìu cùng vải thô, chiếu cói và một chiếc đục bằng sắt.

Giai đoạn Bắc thuộc
Sau thời An Dương Vương và nước Âu Lạc, Việt Nam bị các triều đại phong kiến Trung Quốc đô hộ liên tiếp 10 thế kỷ.

Việt Nam tổ chức thành các quận, huyện. Vùng Quảng Ninh thời kỳ 1000 năm Bắc thuộc đó mang các tên châu, quận: An Định, châu Hoàng, châu Lục, Ninh Hải, Ngọc Sơn, Triều Dương... Đây là vùng cửa ngõ vào Việt Nam bằng đường biển lại là vùng giàu sản vật quý. Dưới ách thống trị của người phương Bắc, dân bản địa phải xuống biển mò trai lấy ngọc, lên rừng săn voi bẫy thú cống nạp. Bên cạnh đó, vùng này cũng là cửa ngõ thông thương, trao đổi buôn bán quan trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc. Vùng ven biển nhất là ở Vạn Ninh và cửa Vân Hải (Minh Châu, Quan Lạn ngày nay), hàng hoá trao đổi sầm uất. Quyền buôn bán chủ yếu và lợi nhuận rơi vào những lái buôn Trung Quốc.
Người dân bản xứ phải lao động cực nhọc, chịu sự thống trị của xâm lược song không ngừng đấu tranh chống ách đô hộ, chống đồng hoá: giữ tiếng Việt, duy trì các phong tục truyền thống của ông cha.

Những nhân vật chống giặc tiêu biểu 
Vào những năm 30 của thế kỷ 1, dưới ách cai trị tàn bạo của Thái thú Tô Định, một người quê Đông Triều là Chu Sĩ đã tụ tập trai tráng trong làng nổi dậy. Được sự ủng hộ, giúp vũ khí, lương thực, nghĩa quân chiến đấu anh dũng, tiêu diệt nhiều giặc. Tô Định cho quân đàn áp tàn bạo. Chu Sĩ chiến đấu quyết liệt nhưng không chống nổi phải nhảy xuống sông tự vẫn. Sau này vua Trần Dụ Tông truy phong ông là Chu Sĩ Đại Vương.
Noi gương Chu Sĩ, năm 40, một phụ nữ làng Vẻn (sau có tên là An Biên) là Lê Chân con ông Lê Đạo và người mẹ họ Trần, không chịu ách thống trị Đông Hán, bản thân bị địch bắt làm tì thiếp, đã tập hợp trai gái trong vùng đứng lên khởi nghĩa. Nghĩa quân ngày càng đông. Lê Chân về lập căn cứ bên sông Cửa Cấm và đã có nhiều trận đánh thắng thuỷ binh địch. Lúc này Hai Bà Trưng khởi nghĩa ở Mê Linh, Lê Chân cùng phối hợp chiến đấu. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thắng lợi, Lê Chân về Mê Linh được Hai Bà Trưng giao chức "Chưởng quan binh quyền nội bộ". Năm 43, Mã Viện đem đại quân đánh sang. Lê Chân về vùng núi Kim Bảng (Hà Nam) lập căn cứ kháng chiến, sau Bà hy sinh tại đây. Số binh lính còn lại về căn cứ bên sông Cấm khai hoang lập ấp và đặt tên làng là "An Biên Trang". Đó là tên đầu tiên của vùng đất sau thành cảng Hải Phòng (hiện có đền Nghè thờ Lê Chân và vườn hoa mang tên An Biên).
Nối tiếp Lê Chân có một nữ tướng quê ở Đông Triều là Thánh Thiện. Chiến công nổi bật của bà là dũng mãnh tiến công quân Mã Viện ngay từ lúc chúng còn ở Hợp Phố. Sau đó kiên cường kìm bước tiến quân của đại binh địch. Trong một trận đánh ác liệt bên sông Cầm, bà bị tử trận. Nơi bà hy sinh sau dựng lên chùa Cầm (nay thuộc xã Xuân Sơn, huyện Đông Triều).
Hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng còn có bà Vĩnh Huy, quê vùng núi Yên Tử. Vĩnh Huy tập hợp được hơn một nghìn quân cho tập võ nghệ rồi bà mặc giả trai dẫn đoàn quân về với Hai Bà Trưng. Bà chiến đấu dũng cảm và hy sinh oanh liệt (nay còn đền thờ ở thôn Cổ Chân, xã Vân Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội). 

Ngoài những nữ tướng nói trên, vùng đất Quảng Ninh còn nhiều tấm gương oanh liệt chống giặc ngoại xâm, như chị em Nguyệt Thai, Nguyệt Độ chiến đấu dũng cảm và hy sinh ở vùng Yên Tử vào ngày 8/ 5; ba anh em họ Trương lập công xuất sắc và hy sinh ở huyện Đông Triều sau được thờ ở chùa Bắc Mã, dân gian gọi ba anh em là Đức Cả, Đức Hai, Đức Ba. Tương truyền đó là ba anh em sinh ba con ông Trương Long, mẹ là Phùng Thị Loan quê gốc ở hương Lưu Xá, phủ Nghĩa Hưng, Nam Định.

Thời kì Phong kiến 
Giai đoạn độc lập - tự chủ (Thế kỷ 10 - Thế kỷ 19) Năm 905, cuộc khởi nghĩa của Khúc Thừa Dụ toàn thắng, chính quyền đô hộ nhà Đường bị đập tan. Đất nước được độc lập, tự chủ. Sau thời họ Khúc, đến thời Ngô Quyền lập công giữ nước. Sau thời loạn 12 sứ quân đến thời nhà Đinh rồi Lê Hoàn lại lập công vang dội ở vùng này. Tiếp đến là các triều đại Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Mạc, Trịnh, Nguyễn, vùng Đông Bắc này đều ghi dấu những biến động, những sự kiện lớn của lịch sử dân tộc.

Các sự kiện chính: 
1. Ba lần đại thắng quân xâm lược trên sông Bạch Đằng: Ngô Quyền thắng quân Nam Hán(938), Lê Đại Hành (Lê Hoàn) thắng quân Tống 981, Trần Hưng Đạo đại thắng quân Nguyên Mông (1288).
Ngô Quyền thắng quân Nam Hán năm 938
Năm 937, lợi dụng lúc Việt Nam đang có vụ tranh chấp quyền bính, vua nước Nam Hán là Lưu Cung cho con là Hoằng Thao chỉ huy một đạo thuỷ binh lớn tiến sang xâm lược. Lưu Cung đem bộ binh sẵn sàng tiếp chiến. Ngô Quyền họp tướng lĩnh huy động quân dân vùng Đông Bắc chặt cây, đẽo cọc, đầu cọc bịt sắt rồi cắm cọc thành trận địa dưới lòng sông. Tháng 10 năm 938, hàng trăm thuyền giặc theo lệnh của Vạn vương Hoằng Thao tiến vào cửa sông Bạch Đằng. Ngô Quyền cho thuyền nhỏ ra chặn rồi vờ thua chạy. Đoàn thuyền của giặc đắc thắng truy đuổi. Đợi cho đoàn thuyền của giặc đi qua bãi cọc, chờ lúc nước triều rút, Ngô Quyền hạ lệnh cho quân sỹ đã mai phục sẵn đồng loạt xông ra đánh. Quân giặc tháo chạy, nhưng thuyền xô vào cọc nhọn, quân lính chết gần hết. Hoằng Thao bỏ mạng. ít ngày sau, Lưu Cung biết tin, than khóc thảm thiết và hoảng sợ không dám tính chuyện xâm lược Việt Nam.

Lê Hoàn thắng quân Tống năm 981 
Mùa xuân, vua nhà Tống cho 30.000 quân thuỷ bộ rầm rộ tiến sang xâm lược Việt Nam theo hai đường thuỷ - bộ. Đạo quân thuỷ do Lưu Tường, Giã Thực chỉ huy vẫn theo đường biển vào cửa sông Bạch Đằng. Cánh quân bộ do Hầu Nhân Bảo chỉ huy. Lê Hoàn (người vừa được tôn làm vua thay nhà Đinh) đã cho cắm cọc nhọn dưới lòng sông và mai phục đánh tan cánh quân đường thuỷ. Còn trên bộ, Hầu Nhân Bảo chết tại trận. Số tướng sống sót chạy về nước, vua Tống nổi khùng xử chém Tôn Toàn Hưng giữa chợ; tướng Lưu Trừng và tướng Giả Thực bị giam đến chết.

Trần Hưng Đạo đại thắng quân Nguyên Mông năm 1288
Quân Nguyên Mông, một đế quốc hùng mạnh nhất thế giới đương thời đã chiếm toàn bộ nước Nga, vùng Trung á, vùng Trung Cận Đông rồi toàn bộ Trung Quốc. Chúng đã đem đại binh đánh Việt Nam hai lần, năm 1258 và năm 1285, đều đại bại trước sức mạnh của quân dân nhà Trần.
Lần này là lần thứ ba do Thoát Hoan chỉ huy. Quân Nguyên chia làm ba mũi, 2 mũi đường bộ theo lối Vân Nam và Quảng Tây tiến xuống, mũi đường thuỷ do Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp chỉ huy theo đường bờ biển từ Quảng Đông tiến vào vùng biển Hạ Long. Quân dân nhà Trần dưới sự chỉ huy của Trần Hưng Đạo đã chọn đạo quân thuỷ của địch làm hướng chiến lược.
Quân ta mai phục đón địch ngay từ địa đầu. Ngày 20/ 12/ 1287 đã thắng trận đầu ở Mũi Ngọc dưới sự chỉ huy của Nhân đức hầu Trần Toàn. Song giặc đông, thuyền lớn, lại thuận gió mùa đông bắc vẫn ào tới. Tướng Trần Khánh Dư không cản nổi, bị vua Trần gọi về xử tội. Ông đã xin vua Trần trở lại lập công chuộc tội. Trần Khánh Dư phục kích từ Vân Đồn đến Cửa Lục đón đoàn thuyền lương thực cùng đoàn thuyền hộ tống do Vạn Hộ Trương Văn Hổ chỉ huy lọt vào vùng thiên la địa võng Bái Tử Long, Hạ Long. Quân địch bị tiêu diệt gần hết, các thuyền lương thực không bị đắm đều lọt vào tay quân Trần Khánh Dư. Không có lương thực, các đạo quân đã chiếm kinh thành Thăng Long với “vườn không nhà trống” lại luôn bị vây đánh, đói và bệnh tật đành tìm đường tháo lui.
Trần Quốc Tuấn biết trước kết cục này đã về sông Bạch Đằng bày thế trận phục binh tiêu diệt địch. Được dân địa phương đồng lòng ủng hộ, trong đó có bà hàng nước bên bến đò Rừng chỉ cho ngày giờ và mốc nước lên xuống. Trần Hưng Đạo đã bố trí một trận địa cọc đón đánh địch từ phía ngoài vào, lần này là đánh dồn, đánh ép địch từ trong ra. Quân ta chặn mọi ngả, khoá đuôi, tung bè lửa, bốn bề thuyền xông ra đánh tới tấp, dồn ép đoàn thuyền địch vào bãi cọc ở hai bờ đầu sông Chanh. Thuyền giặc bị đánh, bọn giặc nhao lên bờ bị quân ta tiêu diệt trên cánh đồng Hà Nam. Trước đó trên đất Đông Triều, Trần Quốc Toản đã mai phục và cho quân dân phá hết các cầu, đoàn Kỵ binh của Trình Bằng Phi đi hộ tống bằng đường bộ không qua được đất Đông Triều đành quay hướng bắc rút theo cánh quân Thoát Hoan, bỏ mặc cánh quân thuỷ. Cánh quân thuỷ bị tiêu diệt và bị bắt sống toàn bộ. Tướng Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ bị bắt đưa về xử chém ở Long Hưng (Thái Bình), trước lăng vua Thái Tông và là nơi triều đình đang định đô tạm thời ở đây.
Đôi bờ sông Bạch Đằng hiện nay vẫn còn lưu giữ rất nhiều truyền thuyết cùng các dấu tích, những người địa phương có công được tôn thờ, các triều đại sau tôn vinh. Tại huyện Vân Đồn, có đền thờ những người dân Vân Hải lập công xuất sắc.
2. Dưới triều Lý, Lý Thường Kiệt tiến quân qua vùng Đông Bắc này để đại phá quân Tống ngay tại sào huyệt của chúng.
3. Mở thương cảng Vân Đồn. Cảng ngoại thương Vạn Ninh - Vân Đồn thịnh vượng nhiều thế kỷ suốt các triều đại Lý - Trần.
4. Ra đời và phát triển mạnh Thiền phái Trúc Lâm của đạo Phật trên vùng núi Yên Tử. Yên Tử - Quỳnh Lâm trở thành trung tâm Phật giáo lớn của Việt Nam thời Trần.
Giai đoạn 1883-1955 

Từ 1883 - 1945 Thực dân Pháp xâm lược Việt Nam từ năm 1858. Sau đó chúng lần lượt chiếm các tỉnh Nam Kỳ rồi hai lần tiến công đánh thành Hà Nội. Ngày 12-3-1883, đích thân Henriviere chỉ huy cuộc đánh ra Bắc Kỳ lần thứ 2. Hai tàu chiến tiến vào sâu trong vịnh Hạ Long, đậu trên vùng Cửa Lục rồi đổ quân chiếm đồi cao Bãi Cháy. Vùng đất Quảng Ninh bị thực dân chiếm đóng từ đây.


Phong trào cách mạng nhanh chóng lan rộng, toả ra khắp các địa bàn trong tỉnh. Sau khi thành lập Chiến khu Đông Triều Trần Hưng Đạo (ngày 8-6-1945), nhiều tổ chức cách mạng được thành lập. Việc giành chính quyền ở tỉnh lỵ Quảng Yên, Quảng Ninh thắng lợi tạo cơ sở giành chính quyền cấp tỉnh sớm nhất trong vùng. Sau đó du kích quân Đông Triều đã chuyển thành Giải phóng quân tiến về giải phóng Hải Phòng, Kiến An, Hải Dương, Hòn Gai, Cẩm Phả và tiến ra giải phóng Tiên Yên, Đầm Hà, Móng Cái.

Quảng Ninh dưới chế độ thực dân
Người Pháp đặc biệt chú ý đến nguồn lợi than đá ở Quảng Ninh. Sau khi triều đình nhà Nguyễn ký hiệp ước đầu hàng (hiệp ước Harmand 25-8-1883) và Hiệp ước công nhận quyền bảo hộ (Hiệp ước Paternotre 6-6-1884), Pháp đã lần lượt chiếm đoạt kho tài nguyên này. Ngày 26-8-1888, tại Huế đại diện triều đình phải ký bán vùng mỏ Hòn Gai cho Pháp trong 100 năm. Năm 1888, Toàn quyền Đông Dương ký quyết định nhường để thưởng công cho Jean Dupuis (một lái buôn có công do thám mở đường xâm lược) toàn bộ đảo Cái Bầu. Năm 1890, triều đình Huế nhượng bán vùng mỏ Đông Triều. Từ đây, hàng loạt nhượng địa cho tư bản Pháp được Toàn quyền của Pháp ký quyết định.
Cũng từ năm 1888, các công ty than của Pháp lần lượt ra đời. Lớn nhất là công ty của Pháp ở mỏ than Bắc Kỳ - S.F.C.T. (Societe Fracaricdeo Charbonnases du Tonken) độc quyền vùng mỏ Hòn Gai - Cẩm Phả rộng lớn.
Chính quyền thực dân Pháp và chủ mỏ tuyển hàng vạn phu từ các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Thanh - Nghệ - Tĩnh. Pháp đưa các thiết bị khai thác, vận chuyển sang. Nhưng việc đào than, xúc than, chuyển than ra đầu đường vẫn sử dụng lao động thủ công. Khổ cực nhất là lao động dưới hầm lò, người phu mỏ phải đội thúng than trên đầu. Bọn chủ mỏ quản lí theo lối trung cổ, dùng roi vọt đánh đập và luôn cúp phạt. Người phu mỏ lao động liên tục từ 10 đến 12 giờ mỗi ngày với đồng lương chỉ đủ sống cầm hơi. Tai nạn đổ tầng, sập lò, bệnh tật ốm chết thường xuyên. Ở một số mỏ, chúng còn trả lương bằng loại tiền riêng để trói chặt cuộc sống phu mỏ. Chưa kể nhà tù và các hình thức đầu độc như rượu, thuốc phiện, mê tín, dị đoan... Với hệ thống mật thám, cảnh sát riêng, với những bất công, tàn bạo, vùng mỏ thực sự trở thành một địa ngục trần gian. Trong 67 năm, bọn thực dân và chủ mỏ đã thu lãi lớn từ hơn 30 triệu tấn than chở về Pháp quốc và bán cho các nước khác.
Năm 1928, tổ chức cách mạng Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội - Tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản đã cử nhiều hội viên về vùng mỏ vừa tuyên truyền vận động cách mạng. Phong trào đấu tranh ở đây từ tự phát lẻ tẻ đến có tổ chức, tự giác. Liên tiếp các cuộc bãi công, đình công đòi quyền lợi nổ ra.
Ngày 17-6-1929, Đông dương Cộng sản Đảng ra đời ở Bắc Kỳ. Các chi bộ Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí hội, trong đó có hai chi bộ được thành lập sớm nhất ở Cẩm Phả, Cửa Ông cũng nhanh chóng chuyển thành chi bộ thuộc Đông Dương Cộng sản Đảng. Một hoạt động có ảnh hưởng lớn do các chi bộ lãnh đạo là tổ chức kỷ niệm Cách mạng tháng 10 Nga. Ngày 7-11-1929, cờ đỏ búa liềm tung bay trên pooc-tích số 1 cảng Cửa Ông, giữa phố Cẩm Phả, Cửa Ông, Mạo Khê, Uông Bí...
Ngày 3-2-1930, Đảng cộng sản Việt Nam được thành lập. Cuối tháng 2-1930, chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam đầu tiên được thành lập ở mỏ Mạo Khê. Tờ báo Than được xuất bản (trước đó chi bộ Cẩm Phả, Cửa Ông cũng có báo Than). Số đảng viên không ngừng tăng, các tổ chức đảng cơ sở không ngừng phát triển và mở rộng
Đi đôi với sự phát triển Đảng là sự ra đời các tổ chức quần chúng trước hết là công hội đỏ. Các cuộc đấu tranh lại nổ ra với tổ chức chặt chẽ hơn, quy mô lớn hơn, tiêu biểu là ngày kỷ niệm quốc tế Lao động đầu tiên ở Việt Nam. Ngày 1-5-1930 cờ đỏ búa liềm tung bay trên núi Bài Thơ làm nức lòng người dân lao động khiến bọn chủ mỏ khiếp sợ.
Đầu năm 1931, phong trào bị khủng bố dữ dội, hàng loạt đảng viên và quần chúng yêu nước bị bắt và xử tù, nhiều người bị tra tấn đến chết, phong trào có lúc tạm lắng xuống. Thời kỳ mặt trận Bình Dân những năm 1936-1939, phong trào cách mạng lại bùng lên mạnh mẽ hơn. Giữa năm 1936, nhiều đảng viên được thả từ các nhà tù đã trở lại cơ sở. Một cuộc tổng đình công nổ ra từ ngày 13-11-1936 ở Cẩm Phả rồi nhanh chóng lan sang Hòn Gai, ảnh hưởng đến tất cả các hầm mỏ nhà máy trong tỉnh. Hơn 3 vạn thợ mỏ đã tham gia cuộc tổng bãi công với khẩu hiệu đòi tăng lương giảm giờ làm, chống đánh đập, cúp phạt và một số yêu cầu về đời sống.
Sau 10 ngày đấu tranh quyết liệt, bọn chủ mỏ chịu khuất phục, chịu chấp nhận thực hiện các yêu sách, công nhân toàn thắng. Tại một số mỏ khác như Cái Bầu, Vàng Danh, Mạo Khê chưa chính thức nổ ra bãi công nhưng bọn chủ mỏ đã phải nhượng bộ.
Tháng 9-1939, Đại chiến Thế giới lần thứ hai bùng nổ. Tháng 9-1940 phát xít Nhật xâm lược Đông Dương, chiến tranh lan rộng, sản xuất than suy giảm. Dưới hai tầng áp bức Pháp - Nhật, phong trào cách mạng bị đàn áp. Từ cuối năm 1940, một số chi bộ Đảng ở Quảng Yên, Uông Bí được thành lập lại. Năm 1941 lại bị khủng bố, nhưng lúc này Trung ương Đảng sau tổn thất từ cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã được củng cố. Mặt trận Việt Minh được thành lập. Căn cứ địa Việt Bắc hình thành. Tổ chức Việt Minh được thành lập ở Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều, Móng Cái, Hòn Gai. Từ giữa năm 1945, trên đất Đông Triều, thanh niên công nhân mỏ Mạo Khê và từ các xã được tập hợp, vũ khí được mua sắm và tự tạo, nhiều đội quân du kích ra đời. ở Móng Cái, quân Tưởng tràn vào lấy danh nghĩa quân Đồng Minh đánh Nhật kéo theo bọn Việt Quốc, Việt Cách phản động, Huyện bộ Việt Minh ở Móng Cái đã tổ chức biểu tình gây thanh thế, sau đó lập đội du kích quân đưa ra đảo Vĩnh Thực luyện tập.
Ngày 8-6-1945 Du kích quân Đông Triều tuyên bố thành lập Chiến khu Đông Triều Trần Hưng Đạo và trong một ngày ra quân đã hạ bốn đồn binh Nhật ở Chí Linh, Đông Triều, Mạo Khê, Tràng Bạch. Tiếp đó ngày 2-7-1945 tiến đánh hai đồn ở Uông Bí. Ngày 20-7-1945 chớp thời cơ chiếm tỉnh lỵ Quảng Yên. Lực lượng vũ trang không ngừng phát triển và thu được nhiều thắng lợi trên các địa bàn.

Từ 1946 - 1955
Chiến trường Quảng Ninh vô cùng ác liệt. ở miền Đông, Pháp lập ra Xứ Nùng tự trị và hành lang Mán gây rất nhiều khó khăn cho Việt Minh. Việt Minh phải 2 lần "Đông tiến" để gây dựng lại cơ sở. Phần lớn đất đai trong tỉnh dày đặc đồn bốt địch nhưng bộ đội địa phương và dân quân du kích đã đánh hàng ngàn trận và liên tiếp phá tề trừ gian. Chiến dịch biên giới, giải phóng Bình Liêu năm 1950 và chiến dịch đường 18 năm 1951 đã chọc thủng các hành lang an toàn của địch. Lực lượng vũ trang cách mạng càng đánh càng mạnh và Quảng Yên, Hải Ninh cùng đặc khu Hòn Gai đã góp công sức to lớn vào chiến thắngTừ 1955 đến nay 

Cuộc sống hoà bình chưa trọn 10 năm thì ngày 5-8-1964, máy bay Mỹ ném bom mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Quảng Ninh đã đánh thắng giặc Mỹ ngay trận đầu, bắn rơi 3 máy bay phản lực siêu âm, bắt sống phi công Mỹ đầu tiên, Trung uý Anrareo.


Trải qua hai thời tổng thống Mỹ, Quảng Ninh trải qua hai thời kỳ bị đánh phá ác liệt. Thị xã Hòn Gai không còn ngôi nhà nguyên vẹn; Cửa Ông, Hà Tu gần như bị huỷ diệt. Nhưng người dân Quảng Ninh vừa sản xuất vừa chiến đấu đã cùng các lực lượng vũ trang đánh trả 7.417 lần chiếc máy bay vào giội bom xả đạn, bắn rơi trên 200 máy bay hiện đại của Mỹ.
Trong lúc kiên cường đánh trả máy bay Mỹ, tuyến đảo ngoài biển lại phải chiến đấu với tàu chiến Mỹ, Quảng Ninh vẫn không ngừng góp công, góp của, góp người cho miền Nam - tiền tuyến lớn. Hàng nghìn thanh niên Quảng Ninh lên đường, trong đó có đợt lập thành "tiểu đoàn than" chi viện cho miền Nam, góp phần vào cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30- 4-1975.
Sau những năm khủng hoảng kinh tế, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 6 (năm 1986) đã mở ra một thời kỳ đổi mới. Trong nhiều năm đổi mới, kinh tế, xã hội trên địa bàn Quảng Ninh đã có những đổi thay lớn. Dân chủ được phát huy, các tiềm năng được khơi dậy, sức năng động sáng tạo được khai thác đang mang lại những thành quả rõ rệt. Hiện nay, kinh tế Quảng Ninh đang trên đà phát triển toàn diện và đa dạng. Mức sống từng bước được nâng cao, dân trí được coi trọng. Thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng hàng năm và đạt mức cao hơn nhiều địa phương trong toàn quốc.
Với tiềm năng phát triển còn rất lớn, Quảng Ninh được xác định là một trọng điểm phát triển kinh tế phía Bắc, trong tam giác phát triển kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. chung của dân tộc.
Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, vùng trung tâm Quảng Ninh là nơi tập kết quân đội Pháp từ 100 đến 300 ngày. Ngày 24 tháng 4 năm 1955, người lính Pháp cuối cùng rút khỏi Quảng Ninh tại bến phà Bãi Cháy. Quảng Ninh hoàn toàn giải phóng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét